Đây là hoạt động văn hoá thiết thực hưởng ứng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản; đồng thời, tưởng nhớ và tri ân cụ Phan Bội Châu - một trong những người đầu tiên xây đắp tình hữu nghị, quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam - Nhật Bản.
Thông qua các hoạt động có ý nghĩa này, tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu - trở thành một địa chỉ sinh hoạt văn hoá, giáo dục cho nhiều tầng lớp nhân dân địa phương, du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, học tập; góp phần đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng, nâng cao lòng tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân; đồng thời củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản trong tương lai.
Cụ Phan Bội Châu (1867 - 1940) tên khai sinh là Phan Văn San, hiệu là Sào Nam, là nhà yêu nước, nhà tư tưởng, văn hóa lớn của Việt Nam đầu thế kỷ XX. Cuộc đời hoạt động của Cụ là hình tượng về tấm lòng kiên trung với đất nước, một tư duy nhạy bén của thời đại. Thành phố Huế là nơi cụ Phan Bội Châu đặt những bước chân đầu tiên trên con đường vận động cứu nước, ngôi nhà tranh ở dốc Bến Ngự đã gắn liền với 15 năm cuối đời và là nơi an nghỉ giấc ngàn thu của cụ.
Khu Di tích lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu đã được xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia vào năm 1990. Nơi đây vẫn lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật có giá trị rất lớn về cuộc đời và sự nghiệp của cụ Phan Bội Châu. Trải qua bao biến đổi thăng trầm của lịch sử, Khu lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu tại Huế vẫn lưu giữ những giá trị rất lớn về lịch sử - văn hóa, là một di sản vô cùng quý báu của quốc gia, dân tộc, đồng thời là niềm tự hào của Nhân dân Thừa Thiên Huế.
Bên cạnh đó, Cụ còn là sứ giả văn hóa giữa 2 quốc gia Việt Nam - Nhật Bản. Mối quan hệ thân thiết giữa Cụ Phan Bội Châu và Bác sĩ Asaba Sakirato đã trở thành cầu nối giao lưu văn hóa, khoa học, giáo dục giữa 2 nước, góp phần bồi đắp thêm mối quan hệ hữu nghị quốc tế Việt Nam - Nhật Bản.