Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Trẻ F0 ở nhà, lúc nào cần đến cơ sở y tế?
Ngày cập nhật 04/04/2022

Phần lớn trẻ nhiễm COVID-19 thường nhẹ, không có biểu hiện triệu chứng nghiêm trọng và được chăm sóc, theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp đáp ứng viêm quá mức khiến trẻ sốt dai dẳng, nguy cơ dẫn đến tổn tương đa cơ quan và cần được xử lý kịp thời.

Cha mẹ cần theo dõi các dấu hiệu bất thường của trẻ để báo cho cơ sở y tế khi trẻ điều trị tại nhà. Ảnh: MC

Một kết quả nghiên cứu y khoa từ 167.000 trẻ có triệu chứng khi nhiễm COVID-19 cho thấy, có 13,6% trẻ nhập viện; 13,9% trẻ diễn tiến nặng, trong đó 7,8% phải thở máy, 8,5% phải sử dụng thuốc vận mạch, 0,4% phải can thiệp bằng ECMO và tỷ lệ tử vong chung là 1,3%.

Những yếu tố nguy cơ nào khiến trẻ diễn tiến nặng hơn khi nhiễm COVID-19? TS.BS. Nguyễn Hữu Châu Đức (Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế) thông tin: Đó là trẻ sinh non, trẻ nhẹ cân, trẻ béo phì, thừa cân, trẻ có các bệnh lý về mạch máu, tim mạch, gan, thận… “Trẻ nhiễm COVID-19 có triệu chứng nhẹ thì theo dõi, điều trị tại nhà. Triệu chứng trung bình hoặc viêm phổi thì phải điều trị tại cơ sở y tế. Tuy nhiên, đối với những trẻ có yếu tố nguy cơ như trên nhưng chỉ có biểu hiện bệnh nhẹ thì cha mẹ cũng cần cân nhắc việc có cho trẻ điều trị tại cơ sở y tế hay không. Chẳng hạn, với một trẻ bị hen phế quản nhiễm COVID-19 đang có khả năng kịch phát hay trở nặng thì phải cho trẻ nhập viện. Nhưng nếu tình trạng hen phế quản của trẻ đang được khống chế thì có thể theo dõi, điều trị cho trẻ tại nhà”.

Cán bộ y tế thăm gia đình có trẻ F0 đang điều trị tại nhà

Lưu ý với các bậc cha mẹ, TS.BS. Nguyễn Hữu Châu Đức nói rõ các dấu hiệu bất thường của trẻ, cha mẹ cần theo dõi để báo cho cơ sở y tế khi trẻ điều trị tại nhà. Đó là khi trẻ sốt trên 380C, đau rát họng, tiêu chảy, bỏ chơi, tức ngực, cảm giác khó thở, SpO2 dưới 96%, ăn bú kém. Chỉ cần trẻ có một trong những dấu hiệu trên thì cha mẹ phải thông báo cho nhân viên y tế để kiểm soát khả năng chuyển nặng của trẻ. “Dấu hiệu chuyển nặng nghiêm trọng hơn cần phải cấp cứu và nhập viện ngay lập tức là trẻ thở nhanh, khó thở, phập phồng cánh mũi, rút lõm lồng ngực, li bì, khó đánh thức, tím tái môi, đầu chi và chỉ số SpO2 dưới 95%”, TS.BS. Đức nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia y tế, có khoảng 200 loại triệu chứng COVID-19 ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Riêng đối với trẻ, những triệu chứng thường gặp là: sốt (63%); ho (34%); buồn nôn/nôn, tiêu chảy (20%); khó thở (18%); có triệu chứng mũi họng, phát ban (17%); mệt mỏi (16%)… Hỗ trợ tư vấn các bậc cha mẹ khi chăm trẻ mắc COVID-19 tại nhà, BS.CKII. Đặng Thị Kim Huyên (Bệnh viện Nhi đồng 2) khuyến cáo: Cha mẹ cần phải cảnh giác với mọi dấu hiệu bất thường của trẻ. Thường, trong tuần đầu trẻ nhiễm bệnh, trẻ có những triệu chứng rõ rệt và rất được cha mẹ quan tâm theo dõi. Tuy nhiên, trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao có diễn tiến chuyển nặng vào khoảng ngày thứ 5 đến thứ 8. Do đó, dù các triệu chứng của trẻ đã thuyên giảm hoặc trẻ không có triệu chứng thì cha mẹ hoàn toàn không dựa vào đó để buông tay, theo dõi trẻ thiếu chặt chẽ. Với trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao, cha mẹ phải theo sát trẻ qua mốc thời gian này mới đảm bảo được sự an toàn cho trẻ.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chăm sóc trẻ em mắc COVID-19 tại nhà, gia đình cần chuẩn bị: Nhiệt kế; máy đo SpO2 (nếu có); khẩu trang; phương tiện vệ sinh tay; thùng chứa chất thải lây nhiễm có nắp đậy; thuốc hạ sốt paracetamol; thuốc cân bằng điện giải: Oresol, gói bù nước, chất điện giải khác; thuốc giảm ho, ưu tiên các thuốc từ thảo mộc; dung dịch nhỏ mũi: natriclorua 0,9%; thuốc điều trị bệnh nền…

https://baothuathienhue.vn/

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 187.088
Truy cập hiện tại 94