Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc
Ngày cập nhật 28/09/2023
Ảnh minh họa

Theo Hiến chương của Liên hợp quốc, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người được xác định là một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà cả sáu cơ quan chính của tổ chức liên chính phủ này đều phải đảm nhận. Trong đó, Đại hội đồng có trách nhiệm cao nhất trên lĩnh vực quyền con người, đặc biệt là trong việc thiết lập các chuẩn mực quốc tế về quyền con người; xây dựng, điều hành các chương trình hoạt động về quyền con người; xây dựng các cơ quan nhân quyền của Liên hợp quốc và xử lý các vi phạm quyền con người. Bên cạnh đó, Hội đồng Kinh tế và Xã hội (ECOSOC) đảm nhận việc xây dựng bộ máy các ủy ban chuyên môn cho cơ quan này và Đại hội đồng trong những hoạt động về quyền con người mà nổi bật hàng đầu là Ủy ban Liên hợp quốc về nhân quyền (The UN Commission on Human Rights - UNCHR), tiền thân của Hội đồng Nhân quyền ngày nay.

Được thành lập năm 1946, trong 60 năm tồn tại, UNCHR đã có những đóng góp lớn lao trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người mà điểm nhấn đầu tiên chính là việc soạn thảo văn kiện Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền - một tiêu chuẩn thực hiện chung cho tất cả các dân tộc và quốc gia về bảo đảm sự thừa nhận và thực thi trên toàn cầu các quyền tự do cơ bản của con người. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, UNCHR cũng bộc lộ nhiều mặt hạn chế dẫn đến thất bại trong cải thiện và xử lý những vi phạm nghiêm trọng về quyền con người diễn ra tại nhiều khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Chính vì những lý do này, trong báo cáo số A/59/2005, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã chính thức đề xuất Đại hội đồng bỏ phiếu thay thế UNCHR bằng việc thành lập cơ quan mới về quyền con người là Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC).

Ngày 03/4/2006, trên cơ sở các cuộc thảo luận tại Đại hội đồng, nghị quyết về việc thành lập Hội đồng Nhân quyền (UNHRC) đã được thông qua. Theo Nghị quyết 60/251 của Đại hội đồng, UNHRC có những chức năng, nhiệm vụ sau: (i) Thúc đẩy những hoạt động giáo dục, nghiên cứu, dịch vụ tư vấn, trợ giúp kỹ thuật và xây dựng năng lực về quyền con người ở các quốc gia; Thúc đẩy việc thực thi đầy đủ những nghĩa vụ về quyền con người ở các quốc gia; Đóng vai trò là một diễn đàn để đối thoại về những chủ đề cụ thể về quyền con người; Thực hiện đánh giá định kỳ toàn thể việc tuân thủ các nghĩa vụ và cam kết về quyền con người của các quốc gia; (ii) Thông qua đối thoại và hợp tác để góp phần phòng ngừa những vi phạm quyền con người và phản ứng kịp thời với những tình huống khẩn cấp về quyền con người; Hợp tác chặt chẽ với các chính phủ, các tổ chức khu vực, các cơ quan quyền con người quốc gia, các tổ chức dân sự trong những hoạt động về quyền con người; Báo cáo công tác hằng năm với Đại hội đồng.

So với Ủy ban Liên hợp quốc về nhân quyền, chức năng nhiệm vụ và phương thức hoạt động UNHRC đã có nhiều điểm thay đổi, nhằm tạo ra thế và lực mới cho cơ quan này trong các hoạt động về quyền con người. Theo đó, UNHRC là một cơ quan có vai trò hết sức quan trọng để có thể giải quyết những vấn đề về quyền con người trên thế giới. Thủ tục bầu mới đã có sự thay đổi khi các thành viên của UNHRC được bầu bởi 193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc bằng hình thức bỏ phiếu kín. Ngoài ra, cơ chế bầu cử mới cho phép một số tổ chức phi chính phủ về nhân quyền được tham gia vào tiến trình tuyển chọn thành viên của UNHRC.

Bên cạnh đó, UNHRC là cơ quan giúp việc của Đại hội đồng, nằm trong khối các cơ quan thực thi quyền con người dựa trên Hiến chương, có vị thế tương đương với ECOSOC. Không chỉ vậy, UNHRC được Đại hội đồng giao thêm nhiệm vụ mới là tổ chức thực hiện đánh giá định kỳ việc tuân thủ các nghĩa vụ và cam kết về quyền con người của tất cả các quốc gia hay còn gọi là Cơ chế đánh giá định kỳ phổ quát (UPR) thay cho việc lựa chọn các vụ việc ở một số quốc gia để đưa ra xem xét, lên tiếng như trước đây. Thủ tục mới này tăng thêm quyền lực và hiệu lực của Hội đồng nhân quyền; đồng thời làm giảm bớt tình trạng phân biệt đối xử và áp dụng tiêu chuẩn kép trong đánh giá tình hình quyền con người giữa các quốc gia như trước đây. UNHRC cũng là tổ chức tiến hành thủ tục giải quyết khiếu nại kín. Theo thủ tục này, cá nhân khiếu nại và quốc gia có liên quan được thông báo về tình hình xử lý khiếu nại ở những giai đoạn chính. Cũng như cơ quan tiền thân UNCHR, Hội đồng Nhân quyền cũng có nhiệm vụ thực hiện các thủ tục điều tra đặc biệt song đã có nhiều sự cải tiến nhằm tăng hiệu quả của chúng. Để tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm và độ tin cậy trong quá trình điều tra, Hội đồng Nhân quyền cũng đã ban bố một bộ quy tắc đạo đức áp dụng cho các chuyên gia thực thi các thủ tục đặc biệt đó.

UNHRC cũng thành lập cơ quan giúp việc Ủy ban tư vấn cho Hội đồng nhân quyền (HRCAC). Ủy ban này có nhiều điểm tương đồng với Tiểu ban thúc đẩy bảo vệ quyền con người nhưng có thời gian làm việc là hai phiên một năm với thời gian tối thiểu là 10 ngày.

Từ những cải tổ quyết liệt nêu trên, UNHRC ngày một chứng tỏ tầm quan trọng của mình trong nhiệm vụ bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên phạm vi toàn cầu. Điều này cũng đồng nghĩa, mỗi thành viên của UNHRC cũng phải nỗ lực hơn nữa để đảm nhiệm các trọng trách vinh quang song cũng không kém phần nặng nề này. Để trúng cử vào UNHRC, mỗi quốc gia phải đạt những tiến bộ vượt bậc trong hoạt động bảo vệ quyền con người trong nước; đồng thời phải đóng góp, đưa ra nhiều sáng kiến thúc đẩy nhân quyền trên toàn cầu.

Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 186.796
Truy cập hiện tại 55