Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1-1-1914 / 1-1-2024): Thủ trưởng cấp trên đến thăm đại đội, có tên là Sáu Di
Ngày cập nhật 27/12/2023

Ngày 27-11-1965, sau khi Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 tiêu diệt gọn Trung đoàn 7, Sư đoàn 5 ngụy tại làng 14, sở cao su Dầu Tiếng, Bến Cát, tỉnh Bình Dương, thì được lệnh rút quân về khu vực căn cứ Dương Minh Châu đóng quân ở hai bờ sông Sài Gòn. Lúc đó tôi là chiến sĩ thuộc Đại đội 12, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1. Phân đội chúng tôi đứng chân ở bến Nha Thức trong một khu rừng già gần chân núi Cậu.

Đầu giờ chiều 25-12-1965, Đại đội trưởng Đại đội 12, Tiểu đoàn 3 thông báo có thủ trưởng cấp trên đến thăm Đại đội. Sau đó chúng tôi tập trung ra một khu đất trống là hội trường dã chiến, có hai dãy ghế làm bằng những cây gỗ đường kính 8cm dài 3m được ken lại, mỗi ghế là 4 cây gỗ, mỗi dãy là 15 hàng ghế, ở giữa để khoảng trống độ một mét đi lại, phía trên là một chiếc bàn cũng được ghép những cây gỗ nhỏ bằng ngón tay để dùng cho cán bộ mỗi khi lên lớp.

Đại đội vừa tập hợp xong thì một đoàn cán bộ khoảng 7-8 người, đi đầu là đồng chí Hoàng Thế Thiện, Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 9 (tôi biết đồng chí Hoàng Thế Thiện vì một vài lần đồng chí đến thăm Đại đội). Đi sau đồng chí Phó chính ủy là một người có nước da ngăm đen, đôi mắt sâu, rất sáng. Ông mặc bộ quần áo bà ba màu xanh ô liu, đội mũ nan có chùm vải dù ngụy trang, đi đôi dép râu. Đoàn không đi theo đường lớn dẫn vào đơn vị mà đi một lối mòn nhỏ vào thẳng Đại đội tôi. Đại đội 12 là một tập thể chiến đấu dũng cảm đã lập thành tích xuất sắc trong trận đánh ở làng 14 Dầu Tiếng, diệt và bắt được nhiều tù binh địch nên Sư đoàn chọn Đại đội 12 để đoàn đến thăm và kiểm tra các mặt. Đoàn đến thẳng Đại đội, không qua Tiểu đoàn, không qua Trung đoàn. Các đồng chí đi đến chỗ đơn vị tập trung. Đồng chí đại đội trưởng chạy lại phía đồng chí Hoàng Thế Thiện. Đồng chí Hoàng Thế Thiện chỉ sang người mặc quần áo bà ba đã đứng tuổi. Đại đội trưởng hiểu ý liền bước sang người mặc áo bà ba:

- Báo cáo thủ trưởng! Đơn vị đã tập trung đông đủ, kính mời thủ trưởng nói chuyện!

Người mặc áo bà ba liền bước lên phía chiếc bàn không có ghế ngồi và tự giới thiệu:

- Tôi là Sáu Di, hôm nay thay mặt Quân ủy và Bộ chỉ huy Miền đến thăm các đồng chí. 

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam (thứ hai, từ phải sang) nghiên cứu bản đồ tác chiến tại Trảng Lớn, khu vực Kà Tum, năm 1964. Ảnh tư liệu 

Rồi đồng chí hỏi anh em chúng tôi một cách mộc mạc, chân thành:

- Đồng chí nào tuổi từ 25 trở xuống giơ tay!

Hầu hết Đại đội giơ tay. Chúng tôi tuổi đời mười chín đôi mươi, trừ cán bộ Đại đội tập kết về tuổi lớn hơn.

Đồng chí Sáu Di nói:

-Như thế là Đại đội các đồng chí đều là thanh niên cả. Đồng chí nào quê ở Đồng bằng sông Cửu Long giơ tay lên?

Hai phần ba Đại đội giơ tay. Đồng chí hỏi tiếp:

- Đồng chí nào quê ở Đông Nam Bộ giơ tay lên?

Một số cánh tay giơ lên. Đồng chí Sáu Di nói rất giản dị:

- Như vậy Đại đội các đồng chí chủ yếu là anh em ở Nam Bộ.

Sau đó hỏi tiếp:

-Các đồng chí có bao nhiêu người có vợ?

Một vài cánh tay giơ lên.

-Thế đồng chí nào có vợ và đã có con?

Lại một hai đồng chí giơ tay.

Đồng chí Sáu Di nói:

- Số có gia đình và có con cũng ít.

Đồng chí Sáu Di hỏi ba điều về tuổi tác, về địa phương và hoàn cảnh gia đình của cán bộ và chiến sĩ Đại đội. Sau đó đồng chí đột ngột hỏi:

- Các đồng chí học được những vấn đề gì về quân sự, chính trị?

Anh em giơ tay, đồng chí chỉ định người ngồi hàng đầu, rồi người ngồi ở giữa và người ngồi hàng cuối trả lời. Đồng chí Sữa, người cùng thôn với tôi cũng được hỏi. Đồng chí Sữa trả lời:

-Thưa thủ trưởng, chính trị chúng em học được 10 bài cách mạng Việt Nam.

Đồng chí Sáu Di lại hỏi:

- Bài một đồng chí học là gì?

 - Thưa thủ trưởng, bài một về con người và đất nước Việt Nam

 - Thế đồng chí hiểu thế nào?

- Thưa thủ trưởng, đất nước Việt Nam ta giàu và đẹp, dân tộc Việt Nam ta cần cù lao động, có lòng yêu nước nồng nàn và căm thù giặc ngoại xâm sâu sắc.

Đồng chí Sáu Di chỉ tôi đứng lên, rồi hỏi:

- Thế học kỹ thuật, thì các đồng chí học những gì?

Tôi trả lời:

- Thưa thủ trưởng, chúng em học ngũ đại kỹ thuật.

- Ngũ đại kỹ thuật là những môn gì?

- Thưa thủ trưởng, ngũ đại kỹ thuật là bắn súng, đâm lê, ném lựu đạn, công sự ngụy trang và gói buộc thuốc nổ.

Tôi nói xong, đồng chí khen: Tốt! Và đồng chí hỏi tất cả Đại đội:

- Các đồng chí học đất nước Việt Nam rồi, bây giờ tôi hỏi những con sông lớn từ Bắc vào Nam là những con sông nào? Nhiều cánh tay giơ lên, đồng chí chỉ một người.

Một chiến sĩ ở giữa đội hình, đứng lên:

-Thưa thủ trưởng, Việt Nam ta nếu tính từ Bắc vào Nam thì có những con sông lớn là: Sông Hồng, sông Mã, sông Lam, sông Gianh, sông Bến Hải, sông Hương, sông Thu Bồn, sông Đà Rằng, sông Đồng Nai, sông Bé và hệ thống sông Cửu Long ạ.

Đồng chí Sáu Di khen chiến sĩ trả lời tốt và có hệ thống. Rồi đồng chí giải thích:

- Sông lớn là sông không những có chiều rộng mà phải có chiều dài, chảy qua nhiều nước, nhiều tỉnh, như sông Hồng, sông Cửu Long. Các đồng chí thấy không, gọi là sông Bé mà đâu có bé, nó chảy qua nhiều tỉnh rồi nhập vào sông Đồng Nai trước khi đổ ra biển phải không?

Khi đồng chí Sáu Di hỏi bờ biển Việt Nam dài bao nhiêu ki-lô-mét, thì nhiều người trả lời chưa chính xác. Đồng chí liền giải thích:

- Bờ biển của Việt Nam chạy dài từ Móng Cái đến Hà Tiên dài hơn 3.200km.

Sau đó đồng chí Sáu Di hỏi:

- Các đồng chí đã học đất nước con người Việt Nam. Đồng chí nào cho biết vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất?

Nhiều người tranh nhau trả lời. Có người nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Sáu Di xua tay:

- Tôi hỏi người anh hùng dân tộc nào trong lịch sử chống ngoại xâm cơ mà?

Một vài người nói: Lê Lợi, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo...

Đồng chí giải thích:

- Đúng, các vị anh hùng dân tộc đó cũng rất đặc biệt, nhưng tôi muốn hỏi các đồng chí, người anh hùng dân tộc nào vừa đặc biệt lại vừa độc đáo, tiêu biểu cho các thời đại?

Tôi mạnh dạn đứng lên nói:

- Thưa thủ trưởng, đó là Quang Trung có phải không ạ? Vì Quang Trung từ Tây Sơn, Bình Định hành quân thần tốc ra Thăng Long, đại phá hơn 20 vạn quân Thanh vào đúng dịp Tết Nguyên đán ạ.

Nghe tôi nói xong, đồng chí Sáu Di gật đầu:

- Đúng! Đúng! Đúng!

Rồi đồng chí giải thích:

- Quang Trung đưa quân tới Tam Điệp ngày 20 tháng Chạp. Biết quân Thanh dự định trong ngày 6 tháng Giêng sẽ từ Thăng Long xuất quân, ông hạ lệnh cho quân sĩ ăn Tết trước và tuyên bố: "Ngày mồng 7 sẽ vào Thăng Long mở tiệc ăn Tết khai hạ". Mờ sáng mồng 5, nghĩa quân Tây Sơn đánh chiếm đồn Ngọc Hồi-một trong những đồn lũy quan trọng nhất của quân Thanh được phòng thủ kiên cố. Quang Trung cho hơn 100 voi tiến trước, quân Thanh không địch nổi, bỏ đồn xéo lên nhau mà chạy. Chiến thắng lịch sử đại phá 29 vạn quân Thanh diễn ra cực kỳ nhanh chóng và mãnh liệt. Chiến thắng vĩ đại ấy được xây dựng trên tinh thần chiến đấu quả cảm của quân sĩ, nhiệt tình tham gia ủng hộ của nhân dân và thiên tài quân sự xuất sắc của Quang Trung.

Mọi người chú ý lắng nghe những lời đồng chí giải thích. Nói rồi, đồng chí quay sang nói như tâm sự:

 - Các đồng chí ăn cơm có no không? Có thiếu muối không?

Anh em thưa, có lúc cũng khó khăn do địch khống chế, tiếp tế không kịp, nhưng thường xuyên ăn đủ no. Đồng chí bảo:

- Chiến trường các đồng chí ở gần vựa thóc lớn là Đồng bằng sông Cửu Long, nơi cung cấp lương thực cho chiến trường Nam Bộ, kết hợp chi viện ở miền Bắc vào. Nhưng miền Bắc chủ yếu chi viện súng đạn chứ lương thực chưa nhiều đâu. Đôi khi vận chuyển không kịp là do địch ngăn chặn chứ lương thực mình không đến nỗi thiếu. Mình vẫn đủ gạo cung cấp cho bộ đội. Còn muối, bờ biển mình dài, đồng chí nào kể cho tôi nghe một vài đồng muối ở Nam Bộ?

Lúc đó anh em chúng tôi chỉ biết sơ sơ mấy đồng muối ở Phan Thiết, Ba Tri, Bình Đại kéo dài đến chân núi Lớn Bạc Liêu nên trả lời theo những hiểu biết đó.

Đồng chí Sáu Di nói:

-Như vậy, muối mình không thiếu, gạo mình không thiếu phải không?

Bất ngờ đồng chí hỏi:

- Các đồng chí có lãng phí không?

Mấy anh em chúng tôi nhanh nhảu:

- Báo cáo thủ trưởng chúng em rất tiết kiệm vì nhân dân mình còn nghèo.

- Các đồng chí nói chỗ này là chưa đúng. Tôi đi đường thấy có nơi bộ đội vẫn bỏ lại cơm vắt, có nơi muối vẫn còn rơi vãi. Nhân dân mình còn nghèo mà các đồng chí lãng phí là có lỗi với dân.

Nhắc khéo việc lãng phí rồi đồng chí hỏi đến mặc:

- Ai có hai bộ quần áo giơ tay?

Gần hết quân số của Đại đội giơ tay. Bởi đại bộ phận có từ hai bộ trở lên, có người hai bộ nhưng có bộ rách còn may vá lại được.

Đồng chí nói:

- Hiện nay đa số các đồng chí là hai bộ, vải của mình thô, chiến trường thì ẩm ướt cho nên các đồng chí phải biết giữ gìn làm sao có đủ mặc, đủ ấm, có võng, màn chống muỗi.

Đồng chí Sáu Di hỏi tiếp:

- Sau mỗi trận đánh, các đồng chí về huấn luyện được bao nhiêu ngày?

Tôi đứng lên trả lời:

- Thưa thủ trưởng, sau mỗi trận đánh có từ 7 đến 10 ngày luyện quân rút kinh nghiệm, sau đó lại ra chiến trường đánh tiếp.

Đồng chí khen:

- Sau một trận đánh, sau một chiến dịch phải luyện quân, rút kinh nghiệm bình chỉ huy, bình chiến đấu là tốt.

Dừng một lát, đồng chí Sáu Di nói với đồng chí Hoàng Thế Thiện cho gọi hai người trẻ nhất Trung đoàn là Nguyễn Văn Thắng (15 tuổi) con của anh Ba Hà, Chính trị viên phó Tiểu đoàn và Nguyễn Văn Trừ (15 tuổi), chiến đấu rất dũng cảm có huân chương. Khi Thắng và Trừ đến, đồng chí Sáu Di ân cần bắt tay, hỏi thăm sức khỏe, tình hình chiến đấu. Đồng chí Sáu Di hỏi Thắng:

- Mình có đánh thắng Mỹ không?

- Thưa thủ trưởng, mình đánh thắng ạ.

- Tại sao? Cậu giải thích cho mình nghe.

 - Thưa thủ trưởng, em đi tải gạo thấy bộ đội mình nhiều lắm, súng lớn 3-4 người khiêng, nhất định mình thắng Mỹ.

Quay sang Nguyễn Văn Trừ, đồng chí Sáu Di hỏi:

- Theo cậu, mình có đánh thắng được Mỹ không? Dạ, thưa thủ trưởng thắng ạ.

- Vì sao mình thắng Mỹ, cậu nói tôi nghe coi?

- Dạ, thưa thủ trưởng, chiến tranh của mình là chiến tranh chính nghĩa được toàn dân ủng hộ và tham gia kháng chiến. Và là chính nghĩa nên được nhân dân thế giới ủng hộ nên mình nhất định thắng, Mỹ nhất định thua.

Đồng chí Sáu Di quay sang anh Ba Hà nói:

- Anh Hà thấy không, lính "Triều đình" ở Tiểu đoàn bộ đâu được huấn luyện kỹ, đâu được giáo dục đến nơi đến chốn nên trình độ chính trị còn non. Cậu Trừ là lính chiến đấu, được học tập rất kỹ nên trình độ khác hẳn. Ta thắng Mỹ không phải vì nhiều súng đạn mà là vì cuộc chiến tranh của ta chính nghĩa, cái đó quyết định để dân tộc Việt Nam mình thắng giặc Mỹ xâm lược.

Cuối buổi nói chuyện, đồng chí Sáu Di kêu hai chiến sĩ trẻ đứng hai bên chụp ảnh kỷ niệm. Tôi xin nói thêm, sau đó vài năm anh Trừ chiến đấu hy sinh, anh Thắng chuyển về đơn vị biệt động Sài Gòn, chiến đấu rất dũng cảm và đã hy sinh oanh liệt.

Tạm biệt cán bộ, chiến sĩ Đại đội 12, đồng chí Sáu Di nói đại ý: Hôm nay thay mặt Quân ủy và Bộ chỉ huy Miền, tôi đến thăm Đại đội 12 để tìm hiểu đời sống sinh hoạt, hoàn cảnh gia đình, tình hình học tập quân sự, chính trị của cán bộ, chiến sĩ Đại đội. Tôi rất hài lòng về tinh thần hăng say học tập, ý chí vươn lên, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của các đồng chí. Tôi hoan nghênh thành tích của Đại đội 12, mong rằng các đồng chí tiếp tục phát huy truyền thống, lập nhiều chiến công mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao cho. Cả Đại đội vỗ tay không ngớt, ai cũng thấy niềm vui lâng lâng khó tả trước sự gần gũi, ấm áp, nói dễ hiểu, dễ thực hiện của người thủ trưởng cấp trên, có tên là Sáu Di.

Mấy ngày sau, chúng tôi được đại đội trưởng thông báo: “Đồng chí Sáu Di chính là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, hiện tại là Bí thư Trung ương Cục, Chính ủy Quân giải phóng miền Nam”. Tôi không ngờ một vị Đại tướng, một vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, của Quân đội mà ra tận chiến trường gặp gỡ chiến sĩ như vậy. Trong khi đó vị trí đóng quân của Đại đội 12 chúng tôi nằm trong tầm pháo của địch, chúng có thể bắn đến bất cứ lúc nào.

Hình ảnh đồng chí Nguyễn Chí Thanh-một vị Đại tướng vô cùng giản dị, vô cùng thân thiết và những kỷ niệm đẹp, sâu sắc đầy tình người, tình đồng chí, những cử chỉ ân cần, săn sóc, những lời động viên, khuyến khích, chỉ dẫn, giáo dục của đồng chí luôn in đậm trong lòng cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta. Với tôi, dù chỉ một lần được gặp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhưng đó là một kỷ niệm sâu sắc, mãi mãi không bao giờ mờ phai trong ký ức cuộc đời.

Theo báo Quân đội nhân dân (https://www.qdnd.vn/)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 186.796
Truy cập hiện tại 136