1. Hiến chương Liên hợp quốc
Hiến chương Liên hợp quốc được ban hành ngay sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc vào năm 1945. Đây là văn bản quốc tế rất quan trọng, không chỉ là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng thành lập Liên hợp quốc mà còn là văn kiện ghi nhận sự bảo vệ quyền con người trên phạm vi toàn cầu. Hiến chương đã đặt nền móng cho việc thiết lập một cơ chế pháp lý quốc tế về bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển của các quyền con người trên thế giới. Đồng thời, Hiến chương kêu gọi tất cả các nước cùng phối hợp hành động với Liên hợp quốc để đạt được việc tôn trọng và thực hiện quyền con người trên phạm vi toàn cầu.
Lãnh đạo các quốc gia cùng ký vào bản Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 tại San Francisco
2. Tuyên ngôn về quyền con người
Ngày 10/12/1948, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên ngôn thế giới về quyền con người. Đây là Văn kiện đầu tiên của bộ luật quốc tế về quyền con người.
Tuyên ngôn bao gồm Lời nói đầu và 30 điều quy định về các quyền và một điều quy định về bảo vệ Tuyên ngôn. Nội dung chủ yếu của Lời nói đầu là ghi nhận các nguyên tắc quan trọng nhất trong việc bảo vệ quyền con người (bảo đảm cho con người quyền thoát khỏi đói nghèo; thừa nhận nhân phẩm, các quyền bình đẳng và quyền tự do; quyền con người phải được bảo vệ bằng pháp luật). Mục tiêu cuối cùng của Tuyên ngôn là làm cho tất cả các cá nhân, các tổ chức xã hội, các quốc gia, dân tộc nỗ lực tôn trọng và thúc đẩy việc thực hiện các quyền con người.
3. Tuyên bố Viên và Chương trình Hành động, 1993
Tuyên bố và Chương trình hành động Viên (Vienna Declaration and Programme of Action -VDPA) được thông qua dựa trên sự đồng thuận của đại diện 171 quốc gia tại Hội nghị thế giới lần hai về nhân quyền được tổ chức vào ngày 25/6/1993, tại Viên (Áo).
Những nội dung cốt lõi của Tuyên bố: Về tính phổ quát của nhân quyền, mặc dù phải luôn ghi nhớ tầm quan trọng của tính đặc thù về dân tộc, khu vực: Lời mở đầu nhấn mạnh rằng, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (năm 1948), cần phải đạt được chuẩn mực chung đối với mọi dân tộc, mọi quốc gia và là cơ sở để Liên hợp quốc thúc đẩy việc xây dựng các quy chuẩn trong các văn kiện quốc tế về quyền con người, nhất là trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (năm 1966). Trong khi phải luôn ghi nhớ tầm quan trọng của tính đặc thù về dân tộc, khu vực cũng như bối cảnh khác nhau về lịch sử, văn hóa và tôn giáo, các quốc gia, không phân biệt hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, đều phải có nghĩa vụ thúc đẩy, bảo vệ tất cả các quyền và tự do cơ bản của con người.
Việc thông qua Tuyên bố cho phép làm mới lại cam kết của cộng đồng quốc tế sau Chiến tranh Lạnh để thúc đẩy, bảo vệ các quyền con người; vạch ra một tầm nhìn mới cho hành động toàn cầu ủng hộ nhân quyền trong thế kỷ tiếp theo. Qua đó, Tuyên bố cung cấp cho cộng đồng quốc tế một khuôn khổ lập kế hoạch, đối thoại và hợp tác mới toàn diện để thúc đẩy, bảo vệ các quyền con người với sự tham gia của các bên liên quan ở tất cả các cấp độ quốc tế, quốc gia và địa phương. Tuyên bố là cơ sở để thành lập Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền theo Nghị quyết 48/121 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (tháng 12/1993).
4. Tuyên bố Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, 2000
Tháng 9/2000, tại New York (Hoa Kỳ), Hội nghị Thượng đỉnh thiên niên kỷ Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên bố Thiên niên kỷ; trong đó 189 quốc gia thành viên nhất trí thông qua Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs). Các mục tiêu này về cơ bản nhất trí với những cam kết tại nhiều Hội nghị thượng đỉnh thế giới, hội nghị toàn cầu do Liên hợp quốc tổ chức, nhất là Chương trình phát triền bền vững (Agenda 21). Mục tiêu Thiên niên kỷ bao gồm 8 mục tiêu mà các nước thành viên Liên Hiệp Quốc đồng ý cố gắng đạt được vào năm 2015.
Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy