Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Việt Nam - thành viên tích cực, có trách nhiệm của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc
Ngày cập nhật 28/09/2023

Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025

Việt Nam gia nhập các điều ước quốc tế quan trọng về quyền con người vào đầu những năm 80 của Thế kỷ XX, trong bối cảnh đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, gặp nhiều khó khăn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa. Chính vì vậy, việc gia nhập các Công ước quốc tế về quyền con người của Việt Nam là một minh chứng rõ nét về nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ, thúc đẩy và tôn trọng các quyền con người theo các chuẩn mực quốc tế.

Đến nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, cụ thể: Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị 1966 (ICCPR), gia nhập ngày 24/9/1982; Công ước về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa 1966, gia nhập ngày 24/9/1982; Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ 1979, ký kết ngày 29/7/1980, phê chuẩn ngày 17/02/1982; Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc 1969, gia nhập ngày 09/6/1982; Công ước về Quyền Trẻ em 1989, ký kết ngày 26/1/1990, phê chuẩn ngày 28/2/1990; Nghị định thư bổ sung về trẻ em trong xung đột vũ trang, ký kết ngày 08/9/2000, phê chuẩn ngày 20/12/2001; Nghị định thư bổ sung về chống sử dụng trẻ em trong các hoạt động mại dâm và tranh ảnh khiêu dâm, ký kết ngày 08/9/2000, phê chuẩn ngày 20/12/2001; Công ước về Quyền của Người khuyết tật 2006, ký ngày 22/11/2007 và phê chuẩn ngày 05/02/2015; Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, ký ngày 07/11/2013 và phê chuẩn ngày 05/02/2015...

Bên cạnh các điều ước quốc tế về quyền con người cơ bản nêu trên, Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế khác liên quan đến việc bảo vệ quyền con người và luật nhân đạo quốc tế, như: Nghị định thư bổ sung Công ước Geneva về bảo hộ nạn nhân trong các cuộc xung đột quốc tế (gia nhập ngày 28/8/1981); Công ước Quốc tế về Ngăn ngừa và Trừng trị Tội ác Diệt chủng 1948 (gia nhập ngày 09/6/1981); Công ước Quốc tế về Ngăn chặn và Trừng trị Tội ác Apartheid 1973 (gia nhập ngày 09/6/1981); Công ước Quốc tế về Không áp dụng những hạn chế luật pháp đối với các Tội phạm Chiến tranh và Tội ác chống Nhân loại 1968 (gia nhập ngày 04/6/1983); Công ước về Chống Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia 2000 (ký kết ngày 13/12/2000, phê chuẩn ngày 08/6/2012)…

Sau khi trở thành thành viên Tổ chức Lao động Quốc tế năm 1994, Việt Nam đã tham gia 20 công ước về quyền lao động, như: Công ước số 5 về tuổi tối thiểu của trẻ em được tham gia lao động công nghiệp; Công ước số 6 về làm việc ban đêm của trẻ em trong công nghiệp; Công ước số 14 về quy định nghỉ hàng tuần cho lao động công nghiệp; Công ước số 45 về sử dụng lao động nữ trong hầm mỏ; Công ước số 81 về thanh tra lao động trong công nghiệp và thương mại; Công ước số 100 về trả công bình đẳng giữa lao động nam và nữ; Công ước số 111 về không phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp; Công ước 123 về tuổi tối thiểu được làm những công việc trong hầm mỏ; Công ước số 124 về kiểm tra sức khỏe cho thiếu niên làm việc trong hầm mỏ; Công ước số 155 về an toàn lao động, vệ sinh lao động và môi trường làm việc; Công ước số 182 về nghiên cứu và hành động ngay lập tức để xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; Công ước số 29 về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc; Công ước số 122 về Chính sách việc làm; Công ước số 186 về Lao động Hàng hải...

Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia các cơ chế toàn cầu và toàn khu vực về quyền con người. Từng đảm nhận các cương vị là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, của Ủy ban Kinh tế - Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC); tham gia vào những cơ chế điều hành của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), 2 lần đảm nhiệm vị trí thành viên Ủy ban Luật pháp Quốc tế Liên hợp quốc và gần đây nhất trở thành Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 2. Hai lần vinh dự trúng cử, trở thành một trong 14 thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 và 2023 - 2025, Việt Nam luôn thể hiện là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Hội đồng Nhân quyền, sẵn sàng đưa ra các sáng kiến, trao đổi, hợp tác cùng các cơ quan nhân quyền trực thuộc Liên hợp quốc để tìm ra những giải pháp tối ưu nhất nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn cầu. Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016, với những đóng góp tích cực trong việc thành lập Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền, Ủy ban ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của phụ nữ và trẻ em, thông qua tuyên bố Nhân quyền ASEAN… Việt Nam đã phát đi nhiều thông điệp, sáng kiến, cam kết mạnh mẽ nhằm tăng cường tính hợp tác quốc tế để hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP 26 (từ ngày 31/10 - 12/11/2021). Đồng thời, Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050; không xây dựng nhà máy điện than mới từ năm 2030 và loại bỏ dần điện than vào năm 2040; tuyên bố về rừng và sử dụng đất; tham gia Liên minh thích ứng ứng toàn cầu; giảm 30% khí thải metan vào năm 2030 so với mức năm 2020. Cam kết đó được Việt Nam tái khẳng định tại COP 27 (từ ngày 06 - 18/11/2022) bằng việc xây dựng, thông qua hàng loạt biện pháp tổng thể, toàn diện trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng. Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn tại Phiên họp thứ 91 của Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc (CRC) (ngày 13/9/2022), với những thành tựu vượt bậc trong quá trình xây dựng luật pháp, chính sách cũng như các biện pháp nhằm thúc đẩy và nâng cao quyền trẻ em theo tinh thần của Công ước Liên hợp quốc. 

Hiện nay, Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023 - 2025, tiếp tục đóng góp vào thúc đẩy quyền con người trên thế giới. Trong Khóa họp thường kỳ lần thứ 52 của UNHRC (từ ngày 27/02 - 04/4/2023) - Khóa họp đầu tiên của Việt Nam trên cương vị thành viên UNHRC nhiệm kỳ 2023 - 2025, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng khi đưa ra sáng kiến kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna. Nhằm triển khai sáng kiến này, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng Nhóm nòng cốt với thành phần đa dạng đại diện cho tất cả các khu vực trên thế giới; đồng thời đẩy mạnh thương lượng, đàm phán liên quan đến dự thảo Nghị quyết về kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna. Ngày 03/4/2023, Nghị quyết về kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna đã được UNHRC thông qua. Sự tham gia tích cực của Việt Nam tại Khóa họp 52 của UNHRC đã thể hiện nỗ lực và trách nhiệm của Việt Nam trên cương vị là thành viên của UNHRC nhiệm kỳ 2023 - 2025; đồng thời truyển tải thông điệp mạnh mẽ về quan điểm, chính sách nhất quán, thành tựu của Việt Nam và quan điểm, thành tựu chung của ASEAN trong công tác thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người; qua đó góp phần cùng các nước đảm bảo hoạt động của UNHRC phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, các công ước quốc tế về quyền con người. Bên cạnh đó, Việt Nam còn tích cực tham gia nhiều ý kiến nhằm đảm bảo các quyền cụ thể, như: quyền nhà ở; quyền lương thực; quyền văn hóa; quyền phát triển; quyền trẻ em; quyền tiếp cận công bằng, bình đẳng, kịp thời với giá cả hợp lý đối với vaccine ngừa Covid-19... tại nhiều phiên họp, thảo luận của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Việt Nam cũng đã tích cực, chủ động tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Việc Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết số 130/2020/QH14 về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ là bằng chứng sinh động cho cam kết tham gia và đóng góp lâu dài cho hoạt động gìn giữ hòa bình. Số lượt sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được cử tham gia các nhiệm vụ ở hai phái bộ Nam Sudan, Trung Phi tiếp tục gia tăng và bảo đảm tính tiếp nối liên tục. Việt Nam cũng đã triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 tới Nam Sudan. Đặc biệt, tháng 5/2022, đội công binh đầu tiên của Việt Nam với 2.000 tấn thiết bị đã sang phái bộ an ninh lâm thời của Liên hợp quốc tại khu vực Abyei (khu vực giữa Sudan và Nam Sudan). Trước thảm họa động đất diễn ra ngày 06/02/2023 tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, Việt Nam đã ngay lập tức hỗ trợ sức người, sức của cho hai quốc gia này. 100 chiến sĩ của Bộ Quốc Phòng và Bộ Công an đã tham gia tìm kiếm các nạn nhân của vụ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Việt Nam cũng đã hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, mỗi nước 100.000 USD cùng hàng chục tấn hàng hóa y tế và lương thực…

Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 186.796
Truy cập hiện tại 377