Một trong những nội dung mà người dân quan tâm là việc sử dụng pháo hoa. Tại Điều 17 Nghi định quy định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật”. Tuy nhiên, khi có nhu cầu sử dụng pháo hoa thì cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. Đồng thời, phải hiểu và phân biệt rõ về loại pháo hoa được sử dụng.
Theo đó, pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ. Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m.
Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định 08 trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ gồm: Tết Nguyên đán, Giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày Quốc khánh, Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ngày Chiến thắng (ngày 30 tháng 4 dương lịch), Kỷ niệm ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; sự kiện văn hoá, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế; trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Việc tổ chức bắn pháo hoa nổ phải tuân theo các quy định về thẩm quyền, thủ tục cho phép.