Mặc dù là thiết bị đồ chơi nhưng nó được xếp vào danh sách tàu bay không người lái (quy định tại điều 3 nghị định 36/2008 NĐ-CP ngày 28/3/2008). Bên cạnh đó hoạt động bay của các thiết bị trên tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm cho các hoạt động bay quân sự và dân dụng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch lợi dụng làm phương tiện để thực hiện các hành vi gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị nhất là vào các dịp cao điểm, lễ, tết.
Thủ tục cấp phép bay Flycam:
Để siết chặt tình hình sử dụng các thiết bị trên tại Việt Nam, vào ngày 21/7/2015 vừa qua, Bộ Quốc Phòng nước ta đã gửi công văn số 6321/BQP-TM tới các bộ ban ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhằm nêu rõ sự cần thiết trong việc cấp phép, quản lý, kinh doanh các máy báy không người lái, máy bay siêu nhẹ đang bùng phát hiện nay.
Do đó các tổ chức và cá nhân khi sử dụng các thiết bị trên phải xin phép và được quản lý chặt chẽ của nhà nước.Trình tự và các nội dung liên quan đến quy trình cấp phép được thể hiện ở những nội dung cụ thể như sau:
1. Thẩm quyền cấp phép, từ chối, đình chỉ hoạt động bay
Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu cấp phép, từ chối cấp phép cho các chuyến bay của tàu bay không người lái, các loại khí cầu bay không người điều khiển, các loại mô hình bay, các loại khí cầu có người điều khiển nhưng không cất, hạ cánh từ các sân bay được mở cho hoạt động dân dụng.
( quy định tại điều 8 nghị định 36/2008/NĐ-CP ngày 28/3/2008)
2. Hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp phép bay bao gồm:
2.1. Điều 9 nghị định 36/2008/NĐ-CP ngày 28/3/2008 và điều 1 nghị định 79/2011/NĐ-CP ngày 05/9/2011 quy định hồ sơ đề nghị cấp phép bay:
– Đơn đề nghị cấp phép bay (theo kèm theo Nghị định 79/2011/NĐ- CP);
– Tài liệu kỹ thuật về phương tiện bay, bao gồm ảnh chụp kiểu loại tàu bay hoặc phương tiện bay và bản thuyết minh tính năng kỹ thuật hàng không của loại tàu bay hoặc phương tiện bay đó;
– Giấy phép hoặc giấy ủy quyền hợp pháp cho phép tàu bay, phương tiện bay thực hiện cất cánh, hạ cánh tại sân bay, khu vực trên mặt đất, mặt nước;
– Các giấy tờ, tài liệu khác liên quan đến tàu bay, phương tiện bay.
2.2. Chậm nhất 07 ngày, trước ngày dự kiến tổ chức thực hiện các chuyến bay, các tổ chức cá nhân nộp đơn đề nghị cấp phép bay đến Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu.
2.3. Chậm nhất 07 ngày, trước ngày dự kiến tổ chức thực hiện các chuyến bay, các tổ chức cá nhân nộp đơn đề nghị sửa đổi lại phép bay đến Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu.
3. Nội dung của phép bay
– Tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của tổ chức, cá nhân được cấp phép bay.
– Đặc điểm nhận dạng kiểu loại tàu bay, phương tiện bay (bao gồm cả phụ lục có ảnh chụp, thuyết minh tính năng kỹ thuật của tàu bay hoặc phương tiện bay).
– Khu vực được tổ chức hoạt động bay, hướng bay, vệt bay.
– Mục đích, thời hạn, thời gian được tổ chức bay.
– Quy định về thông báo hiệp đồng bay; chỉ định cơ quan quản lý, giám sát hoặc điều hành bay.
– Các giới hạn, quy định an ninh, quốc phòng khác.
( điều 10 nghị định 36/2008/NĐ-CP)
4. Thời hạn cấp phép, từ chối bay
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu cấp phép tổ chức thực hiện các chuyến bay.
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ theo quy định xin sửa đổi phép bay đã cấp, Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu cấp phép điều chỉnh thực hiện các chuyến bay.”
( khoản 3 điều 1 nghị định 79/2011/NĐ-CP)
5. Trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân khi tổ chức hoạt động bay:
(Điều 13 của Nghị định 79/2011/NĐ-CP)
– Làm thủ tục xin phép bay trước khi tổ chức hoạt động bay.
– Thực hiện công tác dự báo, thông báo bay trước ngày bay theo quy định.
– Nắm vững các quy định, nội dung của việc tổ chức, thực hiện hoạt động bay trong vùng trời Việt Nam.
– Tuân thủ các quy định, điều kiện, giới hạn được nêu trong phép bay.
– Chấp hành nghiêm hiệu lệnh đình chỉ bay và báo cáo kết quả về cơ quan điều hành bay và giám sát các hoạt động bay.
– Chịu trách nhiệm bồi thường theo pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn hàng không, gây thiệt hại cho người, tài sản dưới mặt đất.
6. Hành vi bị nghiêm cấm (khoản 1điều 14 nghị định 36/2008/NĐ-CP)
– Tổ chức các hoạt động bay khi chưa có phép bay;
– Tổ chức hoạt động bay không đúng khu vực, điều kiện, giới hạn quy định. Vi phạm các quy định về quản lý lãnh thổ, biên giới quốc gia;
– Mang chở các chất phóng xạ, chất cháy, chất nổ trên tàu bay hoặc phương tiện bay.
– Phóng, bắn, thả từ trên không các loại vật, chất gây hại hoặc chứa đựng nguy cơ gây hại.
– Lắp các thiết bị và thực hiện việc quay phim, chụp ảnh từ trên không khi không được phép.
– Treo cờ, biểu ngữ, thả truyền đơn phát loa tuyên truyền ngoài quy định của cấp phép bay.
– Không chấp hành các lệnh, hiệu lệnh của cơ quan quản lý điều hành và giám sát hoạt động bay.
7. Quy định xử lý đối với hành vi vi phạm
Theo đó khoản 5 Điều 19 Nghị định 147/2013/ NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng như sau:
– Cá nhân có hành vi thực hiện chuyến bay không đúng với phép bay, mục đích của chuyến bay theo phép bay đã được cấp sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.
– Cá nhân có hành vi thực hiện chuyến bay mà không có phép bay do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Thủ tục cấp phép bay Flycam
Căn cứ những quy định trên, người chơi Drone, flycam phải thực hiện thủ tục xin cấp phép trước khi bay thì mới được sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên về phía những người chơi thì họ cho rằng, nghị định ban hành năm 2008 khi Drone, Flycam còn chưa xuất hiện tại Việt Nam, hơn nữa các thiết bị trên thuộc dạng siêu nhẹ, tầm bay tương đối thấp nên mỗi khi sử dụng bay lại phải xin xép thì mất thời gian, gây rườm rà, rắc rối nên có nhiều kiến nghị đưa ra là nghị định 36/2008 nên loại bỏ các thiết bị trên ra khỏi đối tượng cần phải xin phép trước khi bay.