Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 - Nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam
Ngày cập nhật 19/04/2024

Sau khi Hiệp định Pa-ri về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết (27-1-1973), so sánh lực lượng địch-ta trên chiến trường miền Nam có sự thay đổi căn bản, theo hướng có lợi cho ta và không có lợi cho địch. Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp từ ngày 18-12-1974 đến 8-1-1975 đã đánh giá đúng tình hình, nắm vững thời cơ chiến lược và hạ quyết tâm: 

“Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, trong thời gian 2 năm 1975-1976, đẩy mạnh đấu tranh quân sự, chính trị kết hợp với đấu tranh ngoại giao, làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam theo hướng có lợi cho ta. Tiến hành rất khẩn trương và hoàn thành mọi mặt công tác chuẩn bị tạo điều kiện chín muồi tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền từ trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam Việt Nam. Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mùa Xuân 1975, ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước-nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Điều đó, được thể hiện trên những nét cơ bản sau:

Thứ nhất, nghệ thuật tạo ưu thế lực lượng, hình thành sức mạnh áp đảo bảo đảm đánh địch trên thế mạnh.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, căn cứ vào điều kiện của ta, tình hình địch, yếu tố địa hình thời tiết; kế thừa truyền thống, kinh nghiệm của dân tộc trong lịch sử chống giặc ngoại xâm giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, để bảo đảm chắc thắng, Đảng ta đã chỉ đạo tập trung tạo ưu thế về lực lượng một cách hợp lý để đánh thắng địch.

Chiến dịch Tây Nguyên, xét về tổng thể, lực lượng ta và địch tương đương (58dBB/42dBB), ta không có không quân, nhưng trên hướng và mục tiêu chủ yếu Buôn Ma Thuột ta đã tập trung bộ binh gấp 4,5 lần (18dBB/4dBB), xe tăng, thiết giáp gấp 5,5 lần (64 chiếc/18 chiếc), pháo binh gấp 5 lần (78 khẩu/18 khẩu). Do đó, đã tạo nên sức mạnh áp đảo để tiếp tục giành thắng lợi trong trận đánh địch phản kích và rút chạy trên Đường số 7.

Chiến dịch Trị-Thiên-Huế, Chiến dịch Đà Nẵng, so sánh về lực lượng, ta chỉ có ưu thế hơn địch về đơn vị chủ lực (1,2/1); lực lượng địa phương (ta 1/địch 1,5), pháo binh (ta 1/địch 2,4), xe tăng, thiết giáp địch ưu thế hơn ta (ta 1/địch 4).

Chiến dịch Hồ Chí Minh, ta xác định Sài Gòn là “thủ đô”, nơi trú, đóng các cơ quan đầu não của chính quyền và quân đội Việt Nam cộng hòa; chúng sẽ tập trung binh lực ngoan cố chống cự quyết liệt, mặc dù tinh thần sĩ quan, binh sĩ đã hoang mang, dao động cực độ. Vì vậy, ta tập trung lực lượng mạnh, áp đảo địch chưa từng có, ta tập trung chủ lực gấp địch 1,7 lần, số đơn vị tập trung gấp 3 lần.

Với nghệ thuật tạo ưu thế về lực lượng hợp lý, khoa học đã hình thành nên các binh đoàn chủ lực cơ động có sức tiến công rất mạnh, tốc độ tiến công cao, đánh địch với ưu thế hơn hẳn và hoàn thành nhiệm vụ chiến dịch với thời gian ngắn nhất.

Hai là, vận dụng cách đánh chiến dịch sáng tạo.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, căn cứ vào điều kiện của ta, đặc điểm tình hình địch, địa hình để vận dụng cách đánh phù hợp. Cách đánh độc đáo nhất của ta thường là đánh hiểm, đánh bất ngờ, đánh bằng nhiều phương thức với hiệu suất chiến đấu cao, hiệu quả chiến dịch lớn. Trong các chiến dịch lớn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, ta vận dụng 2 cách đánh. Cách đánh thứ nhất, lần lượt tiêu diệt từng sư đoàn địch, đánh chiếm từng mục tiêu chiến dịch, tiến tới tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch, giải phóng toàn bộ không gian chiến dịch. Cách đánh này được vận dụng trong Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Trị Thiên-Huế và Chiến dịch Đà Nẵng. Trong Chiến dịch Tây Nguyên, ta tiến công khi địch đang còn trong trạng thái ổn định, tạo được bất ngờ đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột để phá thế địch, tiếp đó đánh bại quân địch phản đột kích, rồi đánh địch rút chạy, thực hiện tiêu diệt lớn quân địch ngoài công sự, giải phóng toàn bộ Tây Nguyên. Đến Chiến dịch Trị Thiên-Huế và Chiến dịch Đà Nẵng, ta đánh địch khi chúng đang thực hành co cụm chiến lược, chủ động và kịp thời chia cắt từng khu vực, bao vây tiêu diệt từng bộ phận quan trọng của địch ở vòng ngoài, nhanh nhóng cơ động lực lượng hình thành thế bao vây, chia cắt chiến dịch, tạo thế đánh chiếm từng thành phố Huế, Đà Nẵng, hoàn thành việc tiêu diệt lớn và làm tan rã quân địch, giải phóng toàn bộ các tỉnh ven biển miền Trung.

Cách đánh thứ hai, đồng loạt tiêu diệt các sư đoàn địch phòng ngự vòng ngoài, đồng thời, thọc sâu đánh chiếm những mục tiêu chủ yếu ở bên trong, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ tập đoàn phòng ngự chiến dịch của địch, giải phóng không gian chiến dịch trong thời gian ngắn. Cách đánh này được vận dụng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ta đánh địch có tổ chức phòng ngự về chiến dịch nhưng trong thế đang tan vỡ về chiến lược. Theo đó, ta thực hiện đột phá tuyến phòng ngự từ xa, hình thành hợp vây xung quanh thủ đô chính quyền Sài Gòn, kết hợp đột phá tiêu diệt quân địch phòng ngự ở vòng ngoài. Đồng thời, nhanh chóng thọc sâu vào trung tâm thành phố đánh chiếm 5 mục tiêu then chốt nhất (Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu, Sân bay Tân Sơn Nhất, Biệt khu Thủ Đô, Tổng nha Cảnh sát), buộc quân địch phải đầu hàng không điều kiện. Thực hiện có hiệu quả cách đánh trong các chiến dịch, ta vận dụng linh hoạt các thủ đoạn chiến thuật: Nghi binh, tạo thế, bao vây, chia cắt, đột phá, thọc sâu, luồn sâu, vu hồi…

Ba là, nghệ thuật phát huy sức mạnh hiệp đồng của các quân, binh chủng trong tác chiến quy mô lớn.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, ta đã sử dụng và phát huy tốt tác chiến hiệp đồng các quân, binh chủng trên quy mô lớn, nhằm phát huy sức mạnh tác chiến của các binh đoàn chiến lược, đưa khả năng đánh tiêu diệt lên trình độ cao, tiêu diệt và đập tan từng sư đoàn, quân đoàn chủ lực địch, đập vỡ từng mảng lớn trong hệ thống phòng thủ chiến lược của chúng. Bộ đội tăng-thiết giáp cùng với bộ binh đột kích, dẫn đầu các đơn vị thọc sâu đánh chiếm mục tiêu quan trọng và truy kích địch. Bộ đội đặc công luồn sâu, đánh hiểm vào các mục tiêu quan trọng trong thành phố, đánh chiếm và bảo vệ các đầu cầu, bảo đảm cho các đơn vị thọc sâu đánh chiếm mục tiêu theo hiệp đồng chiến dịch. Bộ đội phòng không bắn máy bay bảo vệ vùng trời, hành tiến bảo vệ đội hình chiến dịch, đánh địch đổ bộ đường không, địch mặt đất, mặt nước. Bộ đội pháo binh đã phát huy sức mạnh hỏa lực, tích cực chi viện cho bộ binh, xe tăng tiến công địch theo kế hoạch, đánh địch đổ bộ đường không và rút chạy. Bộ đội không quân phục vụ đắc lực cho việc vận chuyển, phục vụ chỉ huy và đặc biệt là đánh một trận thành công xuất sắc vào sân bay Tân Sơn Nhất, thực hiện hiệp đồng tác chiến binh, quân chủng hiện đại trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Các binh chủng bảo đảm như công binh, thông tin, vận tải được sử dụng đúng chức năng, đã phát huy hết khả năng và sức mạnh bảo đảm cho chiến dịch phát triển nhanh nhất.

Bốn là, nghệ thuật kết hợp tiến công và nổi dậy, phối hợp tác chiến của ba thứ quân, lấy đòn đánh lớn của bộ đội chủ lực làm trung tâm phối hợp.

Nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là kết hợp các đòn tiến công như vũ bão của các binh đoàn chủ lực cơ động với nổi dậy của quần chúng. Kết hợp tiến công với nổi dậy, tiêu diệt địch với giành quyền làm chủ, tạo sức mạnh áp đảo, trong đó đòn tiến công quân sự của bộ đội chủ lực đi trước một bước, nhằm trực tiếp tiêu diệt lực lượng quân sự của địch, quyết định thắng lợi cuối cùng của chiến tranh, trực tiếp hỗ trợ cho phong trào nổi dậy của quần chúng. Sự nổi dậy của quần chúng có tác dụng căng kéo, phân tán địch, giành dân, giành đất, mở ra thế trận tiến công mới, tạo ra thuận lợi mới, làm cho lực lượng vũ trang ta càng tăng thêm sức mạnh, có điều kiện và thời cơ tiến lên đánh tiêu diệt, giành thắng lợi lớn. Sự kết hợp đó là hệ quả tất yếu của quá trình phát triển, kết hợp hai hình thức đấu tranh chính trị và quân sự; hai phương thức tiến hành chiến tranh là chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy.

Năm là, nghệ thuật chỉ đạo vận dụng chiến thuật linh hoạt, sáng tạo để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến dịch.

Trong các chiến dịch lớn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đã chỉ đạo vận dụng linh hoạt, sáng tạo và thành công các loại hình chiến thuật như điều khiển địch, lừa địch, nhử địch vào kế của ta mà đánh; đánh địch cả trong công sự và ngoài công sự, trên các loại hình rừng núi, nông thôn, đồng bằng, đô thị... Đặc biệt là sự thành công của tác chiến hiệp đồng binh chủng đánh vào thành phố, thị xã và căn cứ quân sự lớn với các hình thức: Tiến công địch trong các căn cứ, thị xã, thành phố lớn, tiến công hành tiến, vận động tiến công, đánh địch đổ bộ đường không, truy kích địch trong điều kiện có thời gian chuẩn bị và không có thời gian chuẩn bị đã phát triển vượt bậc và đạt hiệu suất chiến đấu cao. Tiến công binh chủng hợp thành quy mô lớn được vận dụng phổ biến trong các trận tiến công thị xã Buôn Ma Thuột, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn khẳng định khả năng vận dụng chiến thuật của bộ đội ta đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật trong chiến tranh cách mạng Việt Nam.

Sáu là, nghệ thuật khuếch trương chiến quả của trận then chốt trước với trận then chốt sau.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, ở các chiến dịch tiến công lớn có những đặc điểm khác nhau, nhưng đều có đặc điểm chung là trận then chốt trước thắng lợi đã tạo thời cơ và điều kiện cho việc xuất hiện trận then chốt sau; trận then chốt sau đã biết tận dụng thành quả của trận then chốt trước để giành thắng lợi lớn hơn. Điển hình, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, các trận then chốt chủ yếu lại diễn ra vừa kế tiếp, vừa song song, có thể coi trận đột phá tiêu diệt 5 sư đoàn bộ binh địch phòng ngự vòng ngoài không cho chúng co cụm về Sài Gòn là trận then chốt thứ nhất, đã mở đường cho các binh đoàn thọc sâu đánh chiếm 5 mục tiêu chủ yếu trong nội đô Sài Gòn (trận then chốt thứ hai), giải phóng thành phố Sài Gòn-Gia Định, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Như vậy, qua các chiến dịch đều khẳng định đánh thắng trận then chốt trước tạo thời cơ quan trọng cho việc mở trận then chốt sau; nhưng sự phát triển về nghệ thuật của ta ở đây là kịp thời tận dụng được thời cơ thắng lợi, khuếch trương chiến quả của trận then chốt trước để đánh thắng trận then chốt sau, làm thay đổi cục diện chiến dịch, chiến lược, có trận kết thúc thắng lợi cả cuộc chiến tranh.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là sự phát triển cao của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Những phát triển sáng tạo và độc đáo của nghệ thuật quân sự trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã góp phần hoàn chỉnh thêm một bước và làm phong phú kho tàng nghệ thuật quân sự cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, để lại những bài học kinh nghiệm quý cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

Qdnd.vn

Đài truyền thanh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 186.796
Truy cập hiện tại 293