Khen thưởng các tập thể đã có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án 06, giai đoạn 2022-2023
Thông tin kết quả triển khai Đề án 06 giai đoạn 2022-2023, Đại tá Nguyễn Đình Thừa - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, xác định rõ việc triển khai Đề án 06 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, qua 2 năm tổ chức thực hiện, tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao từng giai đoạn và hàng năm. Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 tỉnh và cơ quan thường trực thường xuyên duy trì mối quan hệ phối hợp, kịp thời trao đổi với Thư ký Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ, Cục CSQLHC về TTXH - Bộ Công an đề nghị quan tâm hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, “điểm nghẽn” trong quá trình triển khai thực hiện.
Tỉnh Thừa Thiên Huế xác định rõ triển khai Đề án 06 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách; xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình cụ thể và chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, tiện ích Đề án 06 với Dự án xây dựng CSDLQG về Dân cư, Căn cước công dân, định danh điện tử, ưu tiên nguồn lực thực hiện Đề án 06. Đẩy mạnh thực hiện các nhóm tiện ích, nhiệm vụ Đề án 06 với chủ động nghiên cứu, phối hợp Bộ Công an xây dựng Kế hoạch và phối hợp triển khai 46 mô hình Đề án 06 nhằm cụ thể hóa và thực hiện đạt kết quả cao nhiệm vụ Đề án 06. Đồng thời, gắn việc xây dựng “đô thị thông minh”, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế với Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư để phân tích dữ liệu, dự báo tình hình phục vụ chỉ đạo điều hành và xây dựng chính sách phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; phục vụ xây dựng chính phủ điện tử, xây dựng chính quyền số, xã hội số, công dân số...
Đại tá Nguyễn Đình Thừa - Phó Giám đốc Công an tỉnh báo cáo tại hội nghị
Cùng với đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án 06, trong năm 2023 Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai quyết liệt các nhiệm vụ về Chuyển đổi số với trọng tâm bám sát các chỉ tiêu trong Bộ chỉ số đánh giá xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh. Theo báo cáo sơ bộ của Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp từ các ngành, địa phương: năm 2023 vừa qua điểm tự chấm của tỉnh ước đạt 774.45 điểm, tăng 76,9 điểm so với năm 2022 (697.55 điểm), trong đó có 22 tiêu chí thành phần tăng và 01 tiêu chí thành phần giảm. Các chỉ số thành phần bền vững (đạt điểm tối đa) đều rơi vào các hoạt động chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh; công tác tham mưu của Văn phòng UBND tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông; công tác đưa tin kịp thời của Cổng thông tin điện tử tỉnh và các cơ quan báo chí; Công tác ban hành các văn bản chỉ đạo, quyết định về nhân lực kịp thời của UBND cấp huyện và UBND cấp xã.
Qua đó, đã nâng cấp toàn diện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đảm bảo theo tiêu chí của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tích hợp toàn diện dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng Hue-S. Đã triển khai mô hình điểm huyện chuyển đổi số ở 03 đơn vị: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc. Ngoài ra thị xã Hương Trà đã ban hành kế hoạch xây dựng mô hình thí điểm chuyển đổi số cấp huyện và triển khai trong thời gian tới. Đã xây dựng mô hình thí điểm chuyển đổi số cấp xã ở 02 đơn vị: Quảng Thọ, thuộc huyện Quảng Điền và xã Phong An thuộc huyện Phong Điền. Đã xây dựng nền tảng Trang thông tin điện tử cho cơ quan nhà nước các cấp đáp ứng theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ, đồng thời triển khai nền tảng cho 3 sở, 01 huyện và 2 xã để đánh giá nhân rộng toàn tỉnh.
Các đại biểu trao đổi tại hội nghị
Tại hội nghị, bên cạnh những kết quả đạt được, những tồn tại trong việc thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh được lãnh đạo các sở, ngành, địa phương chỉ rõ. Theo đó, kết quả đánh giá về bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn thấp; một số mô hình Đề án 06 chỉ mới triển khai được một phần; tỷ lệ công dân được cấp chữ ký số công cộng chưa đạt được kỳ vọng, chưa hoàn thành việc kích hoạt tài khoản định danh điện tử đối với số công dân đã thu nhận hồ sơ; một bộ phận người dân khó khăn, hạn chế trong sử dụng phương tiện số, các tiện ích trên môi trường số; một số chỉ tiêu trong bộ chỉ số đánh giá xếp hạng CĐS cấp tỉnh còn thấp.
Ngoài ra, hoạt động chính quyền số, dịch vụ công trực tuyến chưa được các đơn vị, địa phương triển khai nghiêm túc, các chỉ số về mức độ triển khai cũng như mức độ hài lòng đều không đạt tiêu chí; việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp của một số cơ quan, đơn vị còn chậm; còn có tình trạng làm thay, làm hộ người dân để đạt chỉ tiêu…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình ghi nhận và biểu dương những thành tích mà các ngành, địa phương đã đạt được trong thời gian qua. Nhằm tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo chủ đề năm 2024 đã được xác định, bên cạnh các nhiệm vụ, giải pháp theo Kế hoạch đã đề ra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh, các thành viên Ban chỉ đạo, Tổ công tác chịu trách nhiệm trực tiếp về nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình phụ trách, quản lý; tổ chức phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức cán bộ, công chức, viên chức, cũng như người dân, doanh nghiệp về sự cần thiết, tiện ích của công tác chuyển đổi số và Đề án 06.
Để đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, các sở, ngành, địa phương cần rà soát, đánh giá kỹ kết quả thực hiện từng mô hình của Đề án 06 để có kế hoạch, giải pháp triển khai, đảm bảo lộ trình. Trong đó, ưu tiên triển khai ngay các mô hình đã rõ về giải pháp thực hiện, đã thí điểm hiệu quả tại các địa phương khác, chưa cần đầu tư nhiều về kinh phí. Đối với các nhiệm vụ trọng tâm về CĐS, các ngành, các cấp cần rà soát lại các nội dung nhằm duy trì và nâng cao xếp hạng CĐS cấp tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình yêu cầu các sở, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan; giao trách nhiệm, giao chỉ tiêu thực hiện dịch vụ công trực tuyến để việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt hiệu quả cao hơn. Đối với các nhiệm vụ được giao chủ trì triển khai thực hiện các mô hình điểm của Đề án 06, cần khẩn trương xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cũng lưu ý đến việc triển khai các mô hình phải được áp dụng các đối tượng, tổ chức, cá nhân cụ thể. Từ đó, tập trung các giải pháp đánh giá toàn diện. “Chúng ta triển khai nhưng phải xác định mô hình được áp dụng ở đâu, cho ai. Sau khi triển khai cần tổ chức đánh giá, để rà soát các chỉ số chưa đạt. Đối với các mô hình chưa triển khai, địa phương nên chủ động làm việc với cơ quan thường trực để có “điểm chạm”. Bộ chỉ số DTI cũng cần có sự tương tác giữa cơ quan thường trực với các địa phương. Để có sự thống nhất từ thượng tầng, trong quá trình tổ chức, địa phương, đơn vị cần có những kiến nghị cụ thể để gỡ những nút thắt trong quá trình thực hiện”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp và kết nối trực tuyến với các điểm cầu tại các huyện, thị xã, thành phố Huế và các xã, phường trên địa bàn tỉnh
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 10 cá nhân, đã có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2023.
Khen thưởng các cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án 06, giai đoạn 2022-2023