Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ 8/3: Vài nét về vai trò của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử dân tộc.
Ngày cập nhật 09/03/2016

Trong thực tiễn lịch sử nhân loại ít có dân tộc nào trên thế giới, phụ nữ lại đóng vai trò quan trọng trong xã hội như ở Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và xây dựng đất nước. Lịch sử  ghi nhận hàng vạn tấm gương phụ nữ, các chị, các mẹ không ngại gian khổ, không tiếc máu xương, sẵn sàng chiến đấu, lao động, hy sinh, cống hiến không chỉ cuộc đời mình mà cả con em cho độc lập tự do của Tổ quốc:

Thời Bắc thuộc lần thứ nhất có hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị khởi nghĩa đánh Tô Định vào năm 40 sau Công nguyên.

Bắc thuộc lần thứ hai có Triệu Thị Trinh đã cùng anh là Triệu Quốc Đạt dựng cờ khởi nghĩa năm 248 xưng là Nhụy Kiều Tướng Quân chống lại nền cai trị vô cùng tàn bạo của nhà Đông Ngô.

Người phụ nữ  thứ ba là Thái Hậu Dương Vân Nga năm 979 đã đặt quyền lợi của đất nước trên tình nhà đã chấp nhận nhường ngôi để yên việc nước.( Vợ Đinh Tiên Hoàng – nhường ngôi cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn)

Người phụ nữ thứ tư có tài trị nước, được dân chúng ca ngợi đó Nguyên phi Ỷ Lan dưới triều vua Lê Thánh Tông năm 1069.

Người phụ nữ thứ năm, thi hành sứ mệnh hôn nhân chính trị đó là Huyền Trân Công Chúa để đất nước có được hai châu Ô và Lý (vùng đất từ Quảng Bình đến Quảng Nam ngày nay) do vua Chiêm Thành Chế Mân dâng tặng vào năm 1306. (Cảm thương người phụ nữ tài sắc đã chấp nhận hy sinh vì việc nước mà mà dấn thân nơi xứ người, dân gian còn lưu truyền câu thơ: Tiếc thay hạt gạo trắng ngần -đã vo nước đục lại vần lửa rơm)

Người phụ nữ thứ sáu, thi hành sứ mệnh hôn nhân chính trị đó là Ngọc Vạn Công Chúa (con gái thứ hai của Chúa Sãi – Nguyễn Phúc Nguyên- ở ngôi: 1613-1635, lấy vua nước Chân Lạp là Chey Chetta II ở ngôi:1618-1628) vào năm 1620, để triều Nguyễn từng bước sáp nhập quốc gia Chân Lạp vào lãnh thổ nước ta (vùng đất Sài Gòn-Gia Định ngày nay).

Người phụ nữ thứ bảy là một vị nữ lưu đầu tiên thi đỗ Trạng nguyên thời nhà Mạc(1593-1625) với danh hiệu “Nhất kính chiếu Tam Vương” đó là bà Nguyễn Thị Duệ.

.

Người phụ nữ  thứ tám là một nữ tướng lừng danh của Tây Sơn, đô đốc Bùi Thị Xuân được truyền tụng”Nữ kiệt đệ nhất kiếm”..v..v..

Mặc dù vậy, với sự bảo thủ của hệ tư tưởng Nho giáo phong kiến cuộc đời người phụ nữ vẫn chỉ luẩn quẩn với “ Tam tòng- Tứ đức“. Nhắc đến người phụ nữ Việt Nam, người ta thường nghĩ đến hình ảnh "thân cò lặn lội bờ sông - gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non". Người Phụ nữ xưa thường bị gạt ra khỏi cuộc sống thênh thang của xã hội và bị dồn vào khuôn khổ chật hẹp của đời sống gia đình. "Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử" . Trong giai đoạn tòng phụ, người con gái được học đủ thứ. Học nhiều nhưng không phải để tiến thân bằng khoa cử, mà học để chuẩn bị lấy chồng. Cho đến trước thế kỷ 20, chúng ta vẫn có thể nhận thấy vị thế người phụ nữ  Việt Nam trong xã hội không có gì thay đổi so với hàng nghìn năm trước đó, qua 2 câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu:   “Trai thời trung hiếu làm đầu, gái thời tiết hạnh là câu trau mình” để nói lên thân phận người phụ nữ  Việt Nam  bị đặt trong vòng cương tỏa của lễ giáo phong kiến không được tham gia  hoạt động cũng như không được xã hội thừa nhận.

Bước sang thế kỷ 20, trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, phụ nữ Việt Nam là hậu phương vững chắc cho tuyền tuyến và chính họ là những chiến sỹ cách mạng kiên cường bất khuất, những nữ dân quân du kích, nữ thanh niên xung phong mở đường, tải gạo, tải đạn với ý chí quật cường, chịu đựng gian khổ với tinh thần lạc quan cách mạng, họ chăm sóc thương binh, đồng đội bằng tất cả tấm lòng yêu thương vô bờ. Đó chính là Chị Nguyễn Thị Minh Khai, chị Võ Thị Sáu, chị Lê Thị Hồng Gấm, chị Nguyễn Thị Định, Anh hùng liệt sĩ bác sĩ Đặng Thùy Trâm.....Còn có biết bao người phụ nữ Việt Nam thầm lặng; dung dị, mộc mạc tảo tần; họ cống hiến cho đất nước những người con, người chồng vô cùng yêu quý; họ đã từng mòn mỏi chờ đợi người thân trong chiến tranh, để rồi họ cũng không còn đủ nước mắt khi những người thương yêu của họ không bao giờ trở về; Họ chính là những người mẹ, người bà, người chị của chúng ta - Họ là những người mẹ Việt Nam anh hùng!

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm sự nghiệp giải phóng phụ nữ trong mọi giai đoạn của Cách mạng. Đảng ta khẳng định trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, phụ nữ là lực lượng có tiềm năng to lớn, là động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Phụ nữ vừa là lao động, là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người .Người phụ nữ Việt Nam hiện đại trong thời kỳ mới nếu được sự hỗ trợ tích cực từ phía khách quan, cùng với những nỗ lực chủ quan sẽ có cơ hội đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội, tạo vị thế cho bản thân. Và hi vọng là họ sẽ không còn gặp những trở ngại về giới trong việc tìm cho mình một cuộc sống hạnh phúc do những quan điểm không phù hợp, không còn phải băn khoăn trăn trở trong sự lựa chọn giữa sự nghiệp và gia đình, không còn gặp những rào cản không cần thiết từ các chính sách xã hội. Phụ nữ – dù trong thời đại nào cũng luôn có những vị trí không thể thay thế,  đúng như đại thi hào của nước Pháp (Victor Hugo) đã nói : “Bên cạnh ánh sáng lung linh của các vì sao còn có ánh sáng êm dịu và huyền bí của tâm hồn người phụ nữ” .

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 155.173
Truy cập hiện tại 73